Năm 2005, ban hành Luật Chống tham nhũng

Luật Chống tham nhũng (được nâng lên từ Pháp lệnh chống tham nhũng) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2005 và xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Nội dung này được ghi nhận trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11. Nghị quyết cũng bổ sung dự án Luật Công an nhân dân vào chương trình này.

Một số dự án pháp lệnh đáng chú ý dự kiến sẽ ban hành trong năm 2005 như: Pháp lệnh sửa đổi về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; Pháp lệnh đấu thầu; Pháp lệnh sửa đổi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sửa đổi); Pháp lệnh về hiến, lấy ghép mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người; Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước 1/7/1991.

Các dự án Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi); Luật Dạy nghề và Luật Xuất khẩu lao động; Pháp lệnh đầu tư xây dựng đã được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI (2002-2007).

Sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có bài phát biểu rất tâm huyết. ''Các dự án luật đang ''xếp hàng'' chờ Quốc hội rất nhiều! Với tiến độ hiện nay, cần 50 năm mới có thể hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật!'', ông nói. Ông dẫn lời một cử tri đã nói: ''Cử tri chờ luật của Quốc hội như người đang bơi giữa dòng đuối sức''.

Chủ tịch Nguyễn Văn An so sánh: ''Hàng năm Quốc hội Liên bang Nga thông qua 250-300 luật, ta chỉ bằng 1/10! Họ thì Chính phủ trình 40%, còn lại 60% do Quốc hội làm! Ở ta ngược lại, Quốc hội khoảng 2%, còn lại 98% là Chính phủ và cơ quan tư pháp''. Luật đã ghi nhận và dân mong mỏi nhưng theo ông, đại biểu Quốc hội ta chưa ai trình dự án luật! Cơ quan của Quốc hội thì mới có Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường vừa nhận làm Luật Giao dịch điện tử.

''Luật của bạn có khi chỉ 4-5 điều! Nhưng ta cầu toàn, có trường hợp bàn mãi về lời nói đầu! Ta chưa có luật chỉ dăm ba điều, 9-10 điều đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống'', ông gợi mở vấn đề.

Chủ tịch cũng gợi ý Quốc hội mạnh dạn nâng số luật thông qua mỗi năm lên 30-40, thậm chí 50 luật, rút ngắn thời gian hoàn thiện hệ thống pháp luật còn 5 năm. Ông cho rằng, vấn đề quan trọng là có quyết tâm hay không! Nếu ''muốn làm và dám làm'' thì ta sẽ tính cách thực hiện cho bằng được.

(Văn Tiến - VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục