Mức phí bảo lãnh chính phủ tối đa là 1,5%/năm

(LuatVietnam) Căn cứ vào kết quả thẩm định phương án tài chính của chương trình, dự án và tình hình tài chính của doanh nghiệp, Bộ Tài chính quy định mức phí bảo lãnh cho từng chương trình, dự án tùy theo mức độ rủi ro, nhưng tối đa không vượt quá 1,5%/năm trên tổng số dư nợ bảo lãnh. Đây là một trong những nội dung về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ được quy định trong Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011.
Bảo lãnh chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam; cam kết bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc quyết định bảo lãnh (gọi chung là thư bảo lãnh); Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh mà không cấp tái bảo lãnh.
 
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án, trong đó đã bao gồm tất cả các chi phí vay có liên quan, trừ trường hợp dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh đầy đủ và hợp lệ từ người vay, người phát hành trái phiếu theo quy định, Bộ Tài chính tiến hành thẩm định phương án tài chính và hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh. Phương pháp phân tích đánh giá theo hệ số trả nợ vay là một trong những phương pháp thẩm định (hệ số trả nợ vay thể hiện khả năng tự trả tất cả các khoản nợ vay của dự án theo Bảng phân tích dòng tiền).
 
Hệ số trả nợ vay của phương án cơ sở điều chỉnh bằng 1 trở lên ngay từ năm đầu tiên đi vào sản xuất thì dự án được đánh giá là có rủi ro thấp và hoàn toàn có khả năng trả nợ ngay từ năm đầu tiên; hệ số trả nợ vay càng cao thì dự án, chương trình phải trả mức phí bảo lãnh càng thấp và ngược lại.
 
Cụ thể, đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đảm doanh thu ổn định và các dự án mở rộng sản xuất kinh doanh: hệ số ≥1,15 thì mức phí bảo lãnh là 0,25%/năm; 1,10 ≤ hệ số ≤1,15 thì mức phí bảo lãnh là 0,4%/năm; 1,05 ≤ hệ số ≤1,10 thì mức phí bảo lãnh là 0,5%/năm…; 0,65≤ hệ số ≤0,7 thì mức phí bảo lãnh là 1,3%/năm. Chi tiết về tỷ lệ giữa hệ số trả nợ vay và mức phí bảo lãnh được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
 
Ngoài các nội dung nêu trên, Nghị định còn quy định cụ thể về các điều kiện để được cấp bảo lãnh chính phủ; hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh; trình tự thẩm định và cấp bảo lãnh; nội dung thư bảo lãnh; tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp…
 
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2011; bãi bỏ Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ; đối với các khoản bảo lãnh Chính phủ đã được cấp trước khi ban hành Nghị định này và vẫn còn hiệu lực thực hiện, các vấn đề phát sinh theo thư bảo lãnh sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định của Nghị định này.
  • LuậtViệtnam 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục