Bộ Tài chính vừa quy định mức chi mua tin của mỗi vụ việc chống buôn lậu tối đa là 10% số thu từ xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự của vụ việc đó nhưng không được vượt quá 50 triệu đồng.
Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Theo Thông tư 59/2008/TT-BTC, chi phí mua tin (nếu có) là một trong những chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và được phép sử dụng từ số thu, nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ.
Mức chi mua tin của mỗi vụ việc tối đa là 10% số thu từ xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự của vụ việc đó nhưng không được vượt quá 50 triệu đồng.
Đối với những vụ việc mà tài sản tịch thu là hàng giả, hàng hoá phải tiêu huỷ hoặc có giá trị thấp thì không khống chế chi phí mua tin theo tỷ lệ trên số thu nhưng tối đa không được quá 30 triệu đồng.
Thông tư cũng quy định chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ cũng được phép sử dụng số thu từ từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Chi phí này bao gồm chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử lý; chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật; chi thuê phương tiện, thuê địa điểm; chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành truy đuổi, bắt giữ; chi đăng tin, thông báo tìm chủ hàng.
Ngoài ra, các chi phí khác như chi phí cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã; chi phí giao, nhận, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản; các chi phí phát sinh trong quá trình xử lý bán tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước... cũng được coi là những những chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và được phép sử dụng từ số thu.
. (Theo CAND)