Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường được quy định như sau:
- Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
- Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
- Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
- Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc các đối tượng nêu trên viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
- Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
- Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
- Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh;
- Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
- Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
- Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Hiện nay, theo Điều 7 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về thu và quản lý tiền học thêm trong nhà trường như sau:
- Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
- Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;...
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/02/2025.