Theo đó, căn cứ vào nhu cầu công chứng của xã hội được biểu hiện qua số hợp đồng, giao dịch có nhu cầu công chứng, Thủ tướng chỉ đạo việc xác định số lượng các tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện đến năm 2020 theo các nguyên tắc:
Quy hoạch tối thiểu 01 tổ chức hành nghề công chứng trên 01 địa bàn cấp huyện; không quá 02 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm).
Đối với những địa bàn công chứng có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000-12.000 hợp đồng, giao dịch/năm) được phép quy hoạch tối đa không quá 04 tổ chức hành nghề công chứng; địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm) có thể thành lập tối đa 05 tổ chức hành nghề công chứng.
Việc quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện nhằm bảo đảm tính phát triển bền vững, hiệu quả, bình đẳng trong hoạt động công chứng; tránh xu hướng phát triển lệch lạc, cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, phải kết hợp quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng với phát triển quy mô, chất lượng tổ chức hành nghề công chứng và phát triển số lượng công chứng viên để đáp ứng đầy đủ yêu cầu công chứng trên địa bàn.
Cũng theo Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu việc quy hoạch phải hình thành được “bản đồ” mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về số lượng quy hoạch, vị trí quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng gắn với lộ trình cụ thể, tránh việc phát triển “nóng” cũng như kìm hãm sự phát triển hợp lý của các tổ chức hành nghề công chứng…
- LuậtViệtnam