(LuatVietnam) Đó là mức xử phạt được quy định tại Nghị định số 60/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/7/2009. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tư pháp, bao gồm: thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; giám định tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; hành nghề luật sư; tư vấn pháp luật; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; cho, nhận, nuôi con nuôi; hợp tác quốc tế về pháp luật. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực tư pháp không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được quy định cụ thể như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp hoặc lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của bản sao có chứng thực hoặc bản chính để làm thủ tục yêu cầu chứng thực; phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để chứng thực hợp đồng, giao dịch; phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở; phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi được yêu cầu; phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/9/2009 và thay thế Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Bãi bỏ Điều 9 và Điều 14 tại Chương II Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
- LuậtViệtnam