Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với:
- Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp;
- Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi);
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi);
- Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Để hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi, xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về việc làm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật trong các lĩnh vực liên quan.
Đặc biệt cần bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, xu hướng phát triển trong nước và thế giới, nhất là trên môi trường mạng, công nghệ cao, thích ứng với tốc độ già hoá dân số của Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức hiệu quả hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
Bên cạnh đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ để quy định cho phù hợp, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, tính khả thi của các quy định về:
- Đăng ký và quản lý lao động
- Hỗ trợ, tạo việc làm bền vững, thỏa đáng cho lao động không có quan hệ lao động;
- Chính sách cho vay ưu đãi gắn với điều kiện, quy trình, thủ tục...;
- Mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...;
- Giới hạn thời gian làm việc của học sinh, sinh viên...