Nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm đào tạo đáp ứng 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy tại các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cơ sở giáo dục ĐH, Đề án này đề ra nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nội dung, chương trình, giáo dục, mở mã ngành đào tạo giáo viên, giảng viên ngành giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học.
Trong đó đào tạo chính quy tập trung thời gian 4 năm với đối tượng là những người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; đào tạo văn bẳng 2 có thời gian 18 tháng có đối tượng tuyển sinh là giáo viên, giảng viên hiện đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh. Khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Cử nhân Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các cơ sở được phép đào tạo và tổ chức tuyển sinh ngành giáo dục quốc phòng, an ninh theo Đề án này bao gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Chính trị; Trường ĐH Trần Quốc Tuấn; Trường ĐH Nguyễn Huệ…
Đề án cũng quy định rõ, trong quá trình học, người học được hưởng các chế độ: tiền học phí, tiền quân trang, tiền hỗ trợ trang bị phục vụ học tập, tiền ăn, tiền ở nội trú… như đối với học viên sĩ quan cấp phân đội học tại trường sĩ quan lục quân thuộc Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, người học khi tốt nghiệp, bao gồm cả nữ, nếu có đủ tiêu chuẩn sức khỏe và tình nguyện đăng ký, được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- LuậtViệtnam