Đây là quy định đáng chú ý được ban hành tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận khi người học hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.
3 trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng do nước ngoài cấp (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, Điều 5 Thông tư này nêu rõ, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng gồm:
- Thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
- Khi người học được cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;
- Được cấp theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, các văn bằng nêu trên phải đáp ứng các yêu cầu:
- Tên văn bằng phù hợp với quy định về văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam;
- Thời gian đào tạo và điều kiện tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đào tạo theo hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến mà thời lượng giảng dạy trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng của chương trình.
Thông tư này được ban hành ngày 15/4/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
>> Điều kiện công nhận văn bằng do các trường nước ngoài cấp