Các thay đổi đáng chú ý còn có: Nghị định nêu rõ, văn bản pháp luật đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như bản gốc. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử thì sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức. Quy định này rõ ràng hơn rất nhiều so với quy định tại Nghị định 104 trong vấn đề xác định giá trị pháp lý của Công báo điện tử và Công báo in. Mặt khác Nghị định 100 đã bỏ quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản đăng trên Công báo trong Nghị định 104 nhằm phù hợp quy định trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Công báo gồm có Công báo nước CHXHCN Việt Nam do Văn phòng Chính phủ xuất bản và Công báo cấp tỉnh do Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản. Công báo in được xuất bản, phát hành rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Công báo in nước CHXHCN Việt Nam được cấp phát miễn phí cho xã, phường, thị trấn với số lượng 1 cuốn/số/xã, phường, thị trấn. Việc cấp phát miễn phí Công báo in cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định.
Về văn bản đăng công báo, trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo nước CHXHCN Việt Nam. Riêng đối với điều ước quốc tế, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm sao lục, gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đăng văn bản đó trên Công báo. Đối với văn bản đăng Công báo cấp tỉnh, thời hạn gửi văn bản để đăng là 2 ngày làm việc và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đăng văn bản đó trên Công báo cấp tỉnh.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2010.
- LuậtViệtnam