Theo đó, nhằm khuyến khích người học trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh, Đề án đề ra chủ trương miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo cho các sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành này. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được ưu tiên điểm thi tuyển và duy trì chế độ đào tạo liên thông; các học viên thi vào nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ cũng sẽ được ưu tiên điểm thi tuyển và những điều kiện tuyển sinh khác…
Ngoài ra, những người làm việc trong các chuyên ngành này cũng được hưởng những chế độ ưu tiên đặc biệt, như: Được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức tối đa; ưu tiên trong việc xét công nhận các danh hiệu vinh danh nghề nghiệp; được hỗ trợ để ổn định cuộc sống sinh hoạt; ưu tiên đào tạo, cập nhật kiến thức, nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn…
Những giải pháp trên được đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020, số lượng đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành thuộc Đề án khoảng 2.500 người, trong đó có 30 tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 170 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 570 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 1500 bác sĩ đa khoa định hướng chuyên ngành; 200 cử nhân xét nghiệm kỹ thuật định hướng chuyên ngành giải phẫu bệnh và pháp y. Bên cạnh đó, 90 - 100% bệnh viện, viện tuyến trung ương, 70 - 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh; 50 - 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành lao, phong, tâm thần.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
LuậtViệtnam