Cụ thể, đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, Thông tư quy định, phải có quy trình quản lý thông tin công cộng (xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải); có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn và phải có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài việc phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội còn phải có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu nhập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác; có thỏa thuận cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo quy định của pháp luật và được đăng tải trên trang chủ. Đồng thời phải thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên; thực hiện xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến hộp thư điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân...
Ngoài ra, Thông tư cũng nhấn mạnh trong thời gian 180 ngày từ ngày 03/10/2014, các mạng xã hội đã được cấp Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ theo quy định cũ, nếu tiếp tục hoạt động phải tiến hành thủ tục cấp phép (cấp mới) theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/10/2014.
- LuậtViệtnam