Theo đó, kinh phí hoạt động của TCT và TCHQ được phân bổ hàng năm theo mức ổn định là 1,9% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định. Nguồn kinh phí trên được phân bổ và giao dự toán cho TCT và TCHQ đảm bảo: Chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25% và chi hoạt động thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán chi được giao.
Về mức chi tiền lương, tiền công: Trên cơ sở số biên chế được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và nguồn kinh phí được sử dụng, mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn hệ thống Thuế, hệ thống Hải quan không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định (bao gồm: lương ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).
Cũng theo quy định tại Thông tư này, số kinh phí tiết kiệm từ chi thường xuyên hàng năm, TCT và TCHQ được sử dụng để bố trí cho các công trình đầu tư xây dựng đã đủ thủ tục, cần đẩy nhanh tiến độ nhưng vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng được; mua sắm tài sản hiện đại hóa trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá; trợ cấp thêm ngoài chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ chế độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động.
Nguồn kinh phí tiết kiệm được cũng có thể dùng để bổ sung thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn hệ thống tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định; chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài hệ thống có thành tích đóng góp hỗ trợ cho hoạt động quản lý thuế, hải quan; chi phúc lợi tập thể. Tổng mức chi khen thưởng, phúc lợi trong hệ thống hàng năm tối đa không quá 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2011 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2011 đến năm 2015; bãi bỏ Thông tư số 116/2009/TT-BTC và Thông tư số 117/2009/TT-BTC ngày 05/6/2009 của Bộ Tài chính.
- LuậtViệtnam