Luật kiểm toán độc lập: Quản lý chặt hơn

(LuatVietnam) Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 09 đã chính thức thông qua Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011 với những quy định quản lý chặt hơn đối với nghề kiểm toán tại Việt Nam.
Luật Kiểm toán độc lập là văn bản pháp luật cao nhất về kiểm toán độc lập, lần đầu tiên được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của Chính phủ nhằm tạo lập khung pháp lý phát triển dịch vụ kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Luật quy định các nội dung chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, điều kiện để cấp chứng chỉ kiểm toán viên, điều kiện hành nghề kiểm toán.

Cụ thể, quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập công ty kiểm toán, theo đó, bắt buộc các công ty kiểm toán phải có tối thiểu 05 kiểm toán viên hành nghề thay vì 03 kiểm toán viên hành nghề như quy định trước đây.
 
Liên quan đến tiêu chuẩn kiểm toán viên và điều kiện đăng ký hành nghề, Luật đã quy định rõ 02 chức danh: “kiểm toán viên” và “kiểm toán viên hành nghề”. Trong đó, kiểm toán viên là những người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành về ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan và có Chứng chỉ kiểm toán viên.
 
Chỉ sau khi đã được hành nghề kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán đủ 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức thì kiểm toán viên mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và trở thành kiểm toán viên hành nghề, lúc này mới được ký báo cáo kiểm toán.
 
Luật cũng quy định về 13 hành vi mà các thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam bị cấm thực hiện. Cấm kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề thực hiện hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân; giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng tên và Chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán; làm việc cho 02 tổ chức kiểm toán trong cùng một thời gian.
 
Cũng theo quy định trong Luật Kiểm toán độc lập thì các đối tượng bắt buộc kiểm toán được mở rộng hơn, cụ thể, bắt buộc kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
 
Đồng thời, bắt buộc kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các thông tin tài chính khác của doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước; doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và các dự án khác do Chính phủ quy định…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012; trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, người đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên trước ngày Luật này có hiệu lực được đăng ký hành nghề kiểm toán mà không cần bảo đảm điều kiện về thời gian thực tế làm kiểm toán. 
Cũng trong phiên họp lần này, Quốc hội còn thông qua 02 Luật khác là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự số 65/2011/QH12; Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12 và Nghị quyết số 60/2011/QH12 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự.
  • LuậtViệtnam 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục