Luật Giáo dục sửa đổi: Đề nghị hoãn thông qua

Hôm nay, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trước đó, đã có một số nhà khoa học- giáo dục lên tiếng đề nghị tạm hoãn việc thông qua dự thảo này. Sau đây là cuộc trao đổi với GS Phạm Phụ, trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục.

- Là một trong những nhà khoa học có kiến nghị hoãn việc thông qua Luật sửa đổi, GS có thể cho biết lý do vì sao? 

- Tôi đã có nêu với Quốc hội 5 lý do trong đề nghị lùi việc thông qua luật Giáo dục sửa đổi.

Trước hết, những sửa đổi so với luật Giáo dục 1998 phần lớn chỉ có tính chất kỹ thuật để chi tiết hơn. Những vấn đề như vậy có thể quy định bằng các Văn bản dưới luật hoặc nhiều lắm là một Nghị quyết của Quốc hội.  

Hai là, Dự thảo cũng chưa có được những Điều/ Khoản khung định hướng để khắc phục những tồn tại hiện có. Ví dụ: Chương trình GD phổ thông quá nặng nề, quá hàn lâm, đang đe dọa trí tuệ và thể lực của các em học sinh. Chương trình GDĐH cũng quá nặng, quá lý thuyết mà lại thiếu các "kỹ năng mềm" như giao tiếp, làm việc nhóm, cách trình bày các ý kiến v.v..., và do vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực,v.v... 

Hơn nữa, với những điểm cơ bản có tính đổi mới thì một số Điều/Khoản còn viết chung chung, thiếu nội dung đủ xác định, như: Quyền và nghĩa vụ học tập của nhân dân, Xã hội hóa GD, "Tự chịu trách nhiệm" (lẽ ra là "Trách nhiệm xã hội" của chính cơ sở GD), Chính sách ưu đãi đối với trường ĐH tư thục v.v... 

Dự luật còn như quá chú trọng đến vấn đề công lập - tư thục, trong khi ngày nay, sự phân biệt công lập - tư thục không còn là vấn đề, mà vấn đề là "chia sẻ chi phí" giữa Nhà nước, cộng đồng và người học, "không vì lợi nhuận" và mức độ lợi nhuận của cơ sở GD. Chính những quy định còn quá chung chung như vậy không giúp ích gì mấy cho việc đổi mới GD mà còn có thể sẽ là những cản trở hoặc sự thái quá trong đổi mới GD. 

Thứ tư, trước bối cảnh nền GD cho số đông, ngân sách Nhà nước luôn bị hạn chế, hình thức GD rất đa dạng và toàn cầu hóa về GD, vừa là "hiểm họa" vừa là "triển vọng", đã buộc gần như tất cả các nước đang phát triển trên thế giới phải hình thành một khuôn mặt mới của nền GD. Vì vậy, người ta nói: GD trên thế giới đang có những bước nhảy về ý thức hệ, về chính sách quốc gia và gần như luôn có "sự đánh đổi" giữa các vấn đề về chất lượng, tài chính, hiệu quả, cạnh tranh, công bằng xã hội vv...Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế đó. Thế nhưng, Dự thảo luật GD (sửa đổi) cũng chưa có được những Điều/ Khoản khung để đón nhận những cơ hội và thách thức đó. 

Và cuối cùng, soạn thảo Luật GD về bản chất là sự lựa chọn chiến lược, lựa chọn ưu tiên. Vì vậy, Luật phải được soạn thảo rất công phu và phải có sự đồng thuận của dân chúng, có sự phối hợp tốt giữa các loại chuyên gia khác nhau và các cấp lãnh đạo có trách nhiệm. Đáng tiếc việc tổ chức soạn thảo của chúng ta còn chưa làm được điều đó, Dự luật đang như là "một tập hợp" các điều mong muốn. 

- Vậy, theo GS, Dự luật có thể thông qua được trong kỳ họp của Quốc hội vào cuối năm 2005? 

- Các cuộc hội thảo vừa qua, tổ chức còn hình thức, thiếu hiệu quả. Chỉ có cơ cấu "Hội đồng" mới "tạo được một sự đổi mới". Tôi đã đề nghị hình thành một "Tổ đặc trách"  gồm một số chuyên gia của Bộ GD-ĐT và của các Bộ có liên quan, bổ sung thêm một số chuyên gia về chính sách công, về tài chính GD, về các vấn đề xã hội, một vài đại biểu chuyên trách của Quốc hội, một vài chuyên gia của Hội đồng Quốc gia GD để chỉnh sửa Luật GD (sửa đổi) và kịp thời trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 cuối năm 2005 này. 

- Nếu trong trường hợp dự thảo Luật GD bổ sung, sửa đổi như hiện nay vẫn được thông qua thì khi triển khai vào cuộc sống sẽ ảnh hưởng như thế nào? 

- Nếu vậy, sẽ dẫn đến các hệ lụy như: Có thể sẽ là cản trở hoặc gây ra sự thái quá trong những dự kiến đổi mới sắp đến. Ví dụ chính sách xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đổi mới quản lý GD nói chung và tài chính GD nói riêng... 

Đồng thời không khắc phục được những tồn tại hiện nay, không giải quyết được bài toán nhân lực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đạo đức XH. Đáng ngại nữa là nó có thể tạo ra "vùng mờ" trong GD, là cơ hội cho những kẻ lợi dụng và làm e ngại những người tâm huyết với GD, ví dụ như vấn đề tài chính ĐH ngoài công lập, ĐH tư thục...và các vấn đề khác. 

Xin cảm ơn ông.  

(Cam Lu - VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục