Â
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch này ở nước ta về cơ bản mới ở giai đoạn xây dựng các dịch vụ ứng dụng, chưa có dịch vụ nào được thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Việc chậm đưa các giao dịch điện tử vào cuộc sống có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chúng ta còn thiếu một khung pháp lý cần thiết, một văn bản pháp luật có giá trị cao để điều chỉnh các quan hệ giao dịch điện tử.
Â
Đại biểu Đỗ Trung Tá (đoàn Bắc Giang) cho rằng cần thiết phải có Luật Giao dịch điện tử trong thời điểm hiện nay, vì hầu hết các nước trong WTO đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch thương mại, mở rộng thị trường; nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng Internet để giao dịch với nước ngoài, chúng ta cũng đã thực hiện các ca chẩn đoán, chữa bệnh từ xa, giảng dạy, học và thi qua mạng thông tin... Việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo cơ sở để công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và thông điệp dữ liệu sử dụng trong các hoạt động kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật Giao dịch điện tử chỉ nên đưa ra những quy định công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, thông điệp dữ liệu và quy định về dịch vụ chứng thực điện tử, những vấn đề nội dung giao dịch điện tử nên để những luật khác quy định. Quy định chữ ký điện tử có giá trị như chữ ký tay là không an toàn cho những người tham gia giao dịch điện tử, rất dễ nảy sinh nhiều tranh cãi do người tham gia giao dịch điện tử không nắm bắt được sự an toàn của từng loại công nghệ và sử dụng các dữ liệu có nguồn gốc không rõ ràng, có đủ độ tin cậy hay không để tạo chữ ký điện tử. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, người ta chỉ sử dụng và công nhận chữ ký điện tử an toàn và quy định rằng việc cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử phải có giấy phép của Nhà nước; một số nước mới chỉ công nhận giá trị pháp lý của chữ ký số (một dạng của chữ ký an toàn), chính vì vậy chúng ta cần nghiên cứu kỹ trước khi quy định tính pháp lý của chữ ký điện tử.
Â
Đại biểu Mai Anh (đoàn Khánh Hòa) băn khoăn về các quy định công nhận chữ ký điện tử. Trong thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn gửi cho nhau những bản hợp đồng thông qua hệ thống điện tử mà không hề có chữ ký điện tử, nếu chúng ta quy định từ nay phải có chữ ký điện tử khi giao dịch hợp đồng thì rất bất tiện. Dự thảo luật có quy định về chữ ký điện tử, đây là một công cụ pháp lý rất tốt, nhưng nên để cho các bên giao dịch tự chọn hình thức giao dịch và có cần hay không cần chữ ký điện tử, nếu quy định quá khắt khe sẽ làm cản trở việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao dịch điện tử. Về chứng thực hệ thống chữ ký điện tử, nên có hai hệ thống chứng thực, một của các cơ quan chuyên môn và một của công cộng (dành cho khu vực dân cư).
Â
Nhiều đại biểu đồng tình với các quy định trong chương V, quy định về các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước như nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử, bảo đảm an toàn, bảo mật và lưu trữ thông tin điện tử, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong trường hợp hệ thống thông tin điện tử bị lỗi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước... Những quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
(Theo HNM)