Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó đưa ra 11 nội dung cụ thể đề nghị cần loại bỏ trong Chỉ thị của Thủ tướng về một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong việc tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân có sự điều chỉnh này, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết mặc dù Chỉ thị chưa được ban hành nhưng một số nội dung trong dự thảo Chỉ thị đã được thực hiện, góp phần quan trọng vào kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2004 (kể cả FDI và ODA). Chính từ thực tế này cho thấy cần thiết phải điều chỉnh lại nội dung của dự thảo.
Từ những nội dung cần loại bỏ...
Theo dự thảo Chỉ thị, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ triển khai việc xây dựng Đề án giảm giá cước viễn thông quốc tế xuống mức ngang bằng với các nước trong khu vực và giảm giá dịch vụ cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Trên thực tế, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có Quyết định 17/2004/QĐ-BCVT quy định từ ngày 1/5/2004 giảm cước điện thoại quốc tế đường điện thoại chuyên dùng và đã đạt mức tương đương với các nước trong khu vực. Với việc ban hành quyết định như trên thì việc giảm cước điện thoại đã được thực hiện nên không cần thiết đưa vào trong nội dung của Chỉ thị.
Kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra không nên đưa vào Chỉ thị phương án điều chỉnh Quy hoạch ngành xi măng theo hướng loại bỏ bớt các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương. Vì trong phương án có đề xuất cần xoá bỏ hạn chế về tỷ lệ 40% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh sản xuất xi măng và cho phép tỷ lệ góp vốn được quyết định bởi các bên tham gia liên doanh nhưng tại bản dự thảo Quy hoạch tổng thể ngành xi măng không có quy định hạn chế tỷ lệ 40% vốn đầu tư nước ngoài trong các liên doanh xi măng.
Bên cạnh đó, phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2003/NĐ-CP theo hướng sửa đổi những điểm kém hấp dẫn hơn các quy định hiện hành về thuế VAT của doanh nghiệp chế xuất, hàng hoá, dịch vụ từ nội địa vào khu chế xuất cũng được góp ý không đưa vào chỉ thị vì nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2004/NĐ-CP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất không đưa vào chỉ thị một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thương mại như việc ban hành văn bản hướng dẫn phân loại chi tiết nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất và đề án xoá bỏ chế độ xin phép nhập khẩu theo kế hoạch đối với phụ tùng linh kiện và nguyên vật liệu.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, việc "nghiên cứu phương án xoá bỏ dần các hạn chế về việc sử dụng vốn và tài sản của các ngân hàng nước ngoài phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế" cũng không đưa vào Chỉ thị vì nội dung này đã được Ngân hàng Nhà nước quy định tại Quyết định 293/2004/QĐ-Ngân hàng Nhà nước, theo đó cho phép ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tự quyết định việc mở tài khoản không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng ở nước ngoài.
...Đến những vấn đề cần bổ sung
Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, đúng là bên cạnh những nội dung không còn cần thiết đưa vào dự thảo Chỉ thị, vẫn còn một số nội dung đang thực hiện được cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và được đề cập nhiều trong các hội nghị quốc tế gần đây như Diễn đàn doanh nghiệp, Uỷ ban đánh giá và xúc tiến sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, do đó cần tiếp tục được quy định trong dự thảo Chỉ thị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cụ thể, đó là việc xoá bỏ các hạn chế về lao động; sửa đổi, bổ sung các quy định về chuyển giao công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp như xe máy, xi măng, điện, điện tử, đặc biệt là quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Thắng cũng cho biết thực tế đã xuất hiện những vấn đề mới có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư nhưng chưa được quy định trong dự thảo. Việc bổ sung thêm các nội dung này vào dự thảo Chỉ thị là rất cần thiết.
Đó là các nội dung sau:
- Việc rà soát loại bỏ theo lộ trình các hạn chế đối với FDI trong các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với cam kết quốc tế đa phương và song phương; giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng tạo sự công bằng, minh bạch giữa các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư;
- Quy định cụ thể Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo Điều 37 của Nghị định 164/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây nhà để bán hoặc xây nhà cho công nhân làm việc tại các KCN, KCX;
- Hoàn chỉnh quy hoạch ngành y tế cũng như cơ chế quản lý y tế để thông qua đó tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc thu hút FDI vào lĩnh vực khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng thuốc chữa bệnh, vắc-xin, sinh phẩm học, trang thiết bị y tế...;
- Làm rõ các lĩnh vực không cấp phép đầu tư và đầu tư có điều kiện, trong đó chú trọng lĩnh vực văn hoá, thông tin theo hướng minh bạch, cụ thể và phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế và gia nhập WTO;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung triển khai chậm hoặc chưa được triển khai đã cam kết trong Sáng kiến chung Việt Nam -Nhật Bản.
Các nội dung khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị loại bỏ trong Chỉ thị là:
- Việc sửa đổi Nghị định 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được quy định trong Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Đề án sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2003/NĐ-CP theo hướng tăng cường thẩm quyền quản lý Nhà nước về nhãn hiệu hàng hoá cho Cục Sở hữu trí tuệ đã được quy định trong Nghị định 28/2004/NĐ-CP.
- Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (sửa đổi) theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục phiền hà, phức tạp, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các thủ tục về đất. Nội dung này đã được quy định trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
- Vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ trong quý II năm 2005, đã được quy định trong Chỉ thị 47/CT-TTg về các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
(Hà Linh - VietNam Economy)