Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gợi ý một số vấn đề cần tập trung lấy ý kiến: phạm vi điều chỉnh của luật; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kê khai tài sản tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; việc tiếp nhận, xử lý tố cáo hành vi tham nhũng; Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng; vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, hiện nay có 2 quan điểm khác nhau. Thứ nhất, giữ như Pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành, chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước. Hai là mở rộng điều chỉnh đối với cả người có chức vụ, quyền hạn ngoài khu vực nhà nước.
Trong dự thảo luật, ''liều thuốc'' phòng ngừa tham nhũng được ''kê'' như công khai hoá, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức (mua sắm công và xây dựng cơ bản, quản lý đầu tư và xây dựng, tài chính và ngân sách nhà nước...); chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức ở những vị trí dễ xẩy ra tham nhũng, tiêu cực; việc tặng quà và nhận quà; chế độ và đạo đức công vụ; kê khai tài sản của cán bộ, công chức; đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan tổ chức trong công tác quản lý nói chung và chống tham nhũng nói riêng; tăng cường cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng...
Riêng vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được coi là khá nhạy cảm và còn nhiều tranh cãi. Có 3 phương án được đưa ra lấy ý kiến: Một, người có chức vụ, quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình. Hai, ngoài việc kê khai tài sản của mình, còn phải kê khai cả tài sản của vợ (chồng) và con trong cùng một hộ khẩu. Ba là mở rộng hơn, phải kê khai cả tài sản của vợ (chồng) và con. Có ý kiến cho rằng kê khai tài sản của vợ (chồng), con của người có chức vụ quyền hạn là vi phạm quyền bí mật về tài sản của công dân. Và kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn như dự luật là quá rộng, khó khả thi mà chỉ nên bắt buộc kê khai tài sản của người đứng đầu hoặc cán bộ, công chức ở vị trí dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
So với Pháp lệnh chống tham nhũng, dự luật cụ thể hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng theo các mức: yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che hành vi tham nhũng. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải xác định mức trách nhiệm cụ thể trong kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán của mình. Dựa trên mức độ trách nhiệm và liên đới để xác định hình thức xử lý (kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với người đứng đầu. Nhưng vấn đề đặt ra là quy định như vậy có khả thi và đầy đủ không?
Việc tiếp nhận, xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, vấn đề đưa ra lấy ý kiến là có nên quy định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng nặc danh nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng hay chỉ quy định giống như trong Luật khiếu nại, tố cáo.
Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, theo dự thảo luật, được hình thành ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Ở Trung ương do Thủ tướng làm trưởng ban, thành phần là thủ trưởng các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, các bộ Công an, Nội vụ, Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TW, Trưởng ban Nội chính TW, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC. Có ý kiến cho rằng, thành phần Ban chỉ đạo có cả hành pháp, lập pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng nên không biết xếp vào loại cơ quan nào trong bộ máy nhà nước? Có nên thành lập Ban chỉ đạo này không khi trước đây cũng đã có ban chống tham nhũng nhưng rồi giải thể? Chỉ nên thành lập Ban chỉ đạo ở trung ương hay là thành lập Ban chỉ đạo ở cả địa phương?
Nội dung được bàn cãi nhiều gần đây là vai trò của cơ quan báo chí trong phòng chống tham nhũng. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực do cơ quan báo chí phát hiện, đưa lên mặt báo thì mới được phanh phui, xử lý. Vấn đề đặt ra là có nên mở rộng quyền cho báo chí: quyền thẩm tra, xác minh về các vụ việc tham nhũng; quyền công bố, đưa tin về kết quả điều tra xác minh; trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng? Thông tin, tài liệu nào được công khai cho báo chí và chế tài xử lý nếu từ chối cung cấp thông tin mà báo chí được phép tiếp cận?
Trong thời gian từ 20/7 đến 10/9, một dự luật điều chỉnh vấn đề dư luận không kém phần bức xúc là Luật thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cũng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. UBTVQH gợi ý việc lấy ý kiến cần tập trung vào: Tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh; chế tài xử lý vi phạm; giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sẽ tập trung vào các ngành: công an, tư pháp, thanh tra, VKSND, TAND các cấp và một số ngành khác. Việc lấy ý kiến nhân dân ở các địa bàn dân cư sẽ do HĐND các tỉnh, thành phố lựa chọn. Các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đại biểu trong đoàn của mình.
(Theo VietNamNet)