Dự thảo Nghị định quy định về công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, tiêu chí xác định đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao sau khi đã chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện; chế độ quản lý và chính sách hỗ trợ cho người được quản lý sau cai nghiện...
Đối tượng quản lý sau cai nghiện là người đã hoàn thành xong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được quản lý theo 2 hình thức: tại nơi cư trú và tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện tập trung.
Có ý kiến cho rằng, không nên thành lập các Trung tâm quản lý sau cai nghiện mà nên giao nhiệm vụ này cho các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội hiện có để tận dụng cơ sở vật chất, cán bộ của những cơ sở này.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay hầu hết các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội ở các địa phương đều quá tải. Dự thảo Nghị định quy định một cách linh hoạt, giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể ở địa phương và số đối tượng cần quản lý sau cai nghiện quyết định thành lập mới hoặc sử dụng cơ sở vật chất, cán bộ của Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội hiện có để thực hiện công tác quản lý sau cai tập trung.
Về chế độ chính sách cho người sau cai nghiện, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng, người được quản lý sau cai nghiện phải đóng góp tiền ăn theo quy định. Đối với người thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, Nhà nước sẽ xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí quản lý sau cai nghiện.
Khi hết thời hạn quyết định đưa vào Trung tâm, người được quản lý sau cai nghiện được cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định, chứng chỉ, bằng cấp học văn hóa, học nghề (theo trình độ đạt được), được nhận lại tiền tiết kiệm từ tiền công lao động của mình... Trường hợp khó khăn, được trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe trở về nơi cư trú.
. Theo Website Chính phủ