Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định về loại hình doanh nghiệp (DN) kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn. Theo đó, các DN kinh doanh vận tải đường sắt và DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có chứng chỉ an toàn. Chứng chỉ an toàn có thời hạn là 5 năm.
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt trên mạng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có kết nối ray hoặc không kết nối ray với đường sắt quốc gia.
Một trong những điều kiện để DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được cấp chứng chỉ an toàn là kết cấu hạ tầng đường sắt phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đã công bố, bảo đảm chạy tàu an toàn, đúng công lệnh tốc độ và công lệnh tải trọng theo quy định.
Đối với DN kinh doanh vận tải đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt của DN hoặc DN đi thuê phải phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt và có đủ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.
Các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ và được huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động. Riêng đối với lái phương tiện chuyên dùng đường sắt phải có giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt.
Nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan mà DN không có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời, DN sẽ bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn. Khi đó, DN vẫn được tham gia kinh doanh đường sắt, nhưng phải có trách nhiệm kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn, khắc phục các nguyên nhân để xảy ra tai nạn và phải chịu sự giám sát về an toàn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (nếu trực thuộc).
DN sẽ bị thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ an toàn khi DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt hoặc cấp có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh đường sắt của DN.
. (Luật Việt