Kiến nghị cho người dân được nợ tiền sử dụng đất

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký và kinh tế đất, Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với báo giới về Nghị định mới của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

Nghị định mới đây của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) ghi rõ trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người dân phải nộp đủ số tiền SDĐ và các khoản khác, thậm chí bị phạt nếu chậm nộp. Có nghĩa người dân không được ghi nợ tiền SDĐ như trước đây. Điều này sẽ làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã có biện pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy, thưa ông?

Việc cho ghi nợ tiền SDĐ góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nhưng nghị định 198 mới đây lại không đặt vấn đề ghi nợ. Theo chúng tôi, nếu người dân không được ghi nợ thì việc cấp giấy chứng nhận chắc chắn sẽ bị ách tắc vì được ghi nợ sẽ khuyến khích người dân đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý về nhà, đất tránh thất thu cho ngân sách (vì nhà đất không có giấy tờ thường mua bán, chuyển nhượng trái phép). Do vậy Sở TN-MT vừa kiến nghị UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM được ghi nợ tiền SDĐ.

Hiện nay nhiều người dân thắc mắc giấy chứng nhận quyền SDĐ có khác gì so với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền SDĐ như trước?

Trong giấy chứng nhận quyền SDĐ theo mẫu thống nhất có ghi từng thửa đất, nếu có tài sản gắn liền với đất thì được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền SDĐ, chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu tài sản. Nếu có thay đổi gì về tài sản (như xây mới, sửa nhà làm thay đổi kiến trúc...), người SDĐ thực hiện đăng ký tài sản, cơ quan chức năng sẽ đóng dấu "tài sản đã được đăng ký" kèm theo các giấy tờ chứng nhận tài sản đó (như giấy phép xây dựng, biên bản hoàn công). Có nghĩa giấy chứng nhận quyền SDĐ mới sẽ thay thế cả giấy hồng và giấy đỏ trước đây. Làm như vậy Nhà nước dễ quản lý mà người dân cũng không tốn thêm thời gian chờ đợi, nộp thêm tiền đo vẽ...

Chúng tôi cũng đang kiến nghị các trường hợp nhà đất có giấy tờ hợp lệ sử dụng từ sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày công bố qui hoạch, nếu có một phần hoặc toàn bộ không phù hợp qui hoạch vẫn được công nhận quyền SDĐ (phần không phù hợp qui hoạch sẽ được thể hiện trên giấy chứng nhận). Làm được như vậy thì việc cấp giấy theo mẫu thống nhất sẽ "gỡ" rất nhiều trường hợp bị vướng trước đây (hơn 170.000 trường hợp). Toàn TP còn hơn 500.000 trường hợp phải cấp giấy. Kế hoạch của sở đến tháng 6-2006 là hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ.

Nhiều trường hợp người dân đăng ký cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu (không chờ làm theo kế hoạch) phải chờ đợi rất lâu. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ có gì thay đổi và thời gian giải quyết trong bao lâu?

Trình tự, thủ tục giải quyết được thực hiện theo điều 135, 136 của nghị định 181, thời gian giải quyết không quá 55 ngày (không kể thời gian công khai danh sách các trường hợp xin cấp giấy và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính).

Chúng tôi cũng đã đề xuất thời gian cụ thể tại từng cơ quan là: nếu đất thuộc địa bàn của xã, thị trấn thì tại UBND xã, thị trấn thời gian thụ lý không quá 20 ngày, không kể thời gian niêm yết công khai; tại văn phòng đăng ký quyền SDĐ không quá 15 ngày, tại cơ quan thuế không quá 5 ngày, tại phòng tài nguyên-môi trường không quá 10 ngày, tại UBND huyện không quá 5 ngày. Nếu đất thuộc địa bàn của phường, tại phòng đăng ký quyền SDĐ không quá 30 ngày, tại cơ quan thuế không quá 5 ngày, tại phòng quản lý đô thị mà sắp tới đổi là phòng tài nguyên-môi trường không quá 15 ngày, tại UBND quận không quá 5 ngày.

(Theo Tuổi Trẻ)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.