Không được khuyến mại giảm giá cước viễn thông dưới khung

(LuatVietnam) Ngày 06/04/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó Chính phủ đặc biệt chú trọng đến các quy định về khuyến mại dịch vụ viễn thông và hàng hóa viễn thông chuyên dùng.
Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông không được khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường viễn thông, bán phá giá dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng; không được khuyến mại bằng việc giảm giá cước dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng xuống thấp hơn mức giá Nhà nước quy định; không được giảm giá xuống thấp hơn mức tối thiểu đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng do Nhà nước quy định khung giá hoặc giá tối thiểu.
 
Mức giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị dịch vụ, hàng hóa viễn thông chuyên dùng không được vượt quá 50% giá của đơn vị dịch vụ, hàng hóa viễn thông chuyên dùng được khuyến mại đó trừ các trường hợp khuyến mại dùng thử, cung cấp dịch vụ hoặc tặng hàng không thu tiền, chương trình khuyến mại mang tính may rủi.
 
Tổng thời gian doanh nghiệp viễn thông thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một nhãn hiệu dịch vụ viễn thông, nhãn hiệu hàng hóa viễn thông chuyên dùng không được vượt quá 90 ngày trong 01 năm, 01 chương trình không vượt quá 45 ngày; đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi không được vượt quá 180 ngày trong 01 năm và 01 chương trình không được vượt quá 90 ngày.
Đáng chú ý là quy định: Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Được biết, chủ trương này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cơ cấu vốn góp và mô hình tổ chức của một số doanh nghiệp Nhà nước trong ngành viễn thông, đặc biệt là VNPT vì doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ 100% vốn trong 02 mạng di động lớn là MobiFone và VinaPhone.
Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông phải đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định. Trong đó, doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng kênh tần số vô tuyến điện phải đáp ứng mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng, mức cam kết đầu tư ít nhất 60 tỷ đồng, thiết lập mạng viễn thông di động ảo thì phải có vốn pháp định là 300 tỷ đồng và mức cam kết đầu tư ít nhất 1000 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2011 và thay thế Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/09/2004 và các quy định về đầu tư viễn thông trong Nghị định 121/2008/NĐ-CP ngày 03/12/2008 và các quy định về viễn thông trong Nghị định 97/2009/NĐ-CP về quản lý dịch vụ Internet, quản lý nội dung thông tin trên Internet.
 
Kể từ ngày 01/06/2013, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép viễn thông không phù hợp với quy định của Nghị định này phải làm thủ tục đề nghị cấp, đổi giấy phép theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • LuậtViệtnam 
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục