Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo đối với các gói thầu EPC mà khả năng các nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước; đối với phần thiết bị, công nghệ trong nước không sản xuất được thì có thể tách phần thiết bị công nghệ thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu quốc tế hoặc giao nhà thầu trong nước đã trúng thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu phụ đặc biệt để cung cấp thiết bị.
Trường hợp các gói thầu EPC có giá trị, quy mô lớn yêu cầu công nghệ đa dạng, phức tạp thuộc các dự án quan trọng của ngành hoặc dự án quan trọng quốc gia thì Bộ quản lý ngành phải thành lập các Hội đồng khoa học về kinh tế - kỹ thuật để nghiên cứu và đề xuất phương án đánh giá chất lượng, tuổi thọ thiết bị…
Đối với các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới mà phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ trong việc thực hiện dự án theo hình thức EPC thì trong hồ sơ mời thầu cần quy định mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật không thấp hơn 90% tổng số điểm hoặc tất cả tiêu chuẩn chính phải đạt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ thị: Các hợp đồng đang thực hiện thuộc dự án nhóm A đã chậm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên và chưa thực hiện quyết toán, cần phải gửi báo cáo cụ thể nguyên nhân và thiệt hại kinh tế do chậm tiến độ, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đánh giá.
Các hợp đồng đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng cần rà soát các điều kiện của dự thảo hợp đồng, trong trường hợp thấy không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả thì kiên quyết không ký kết hợp đồng; xác định rõ các chế tài trong hợp đồng đủ mạnh để ràng buộc nhà thầu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình, kiểm soát chi phí trong tổng mức đầu tư.
- LuậtViệtnam