Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng). Việc huy động và cho vay vốn bằng vàng được áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng, cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều đáng chú ý là Thông tư quy định tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 03/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nghiệp vụ huy động vốn và sử dụng vốn bằng vàng, bằng đồng Việt Nam bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng, thì số vốn chuyển đổi thành tiền này được giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30/6/2011.
Trao đổi với báo chí xung vấn đề này, Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đưa ra ý kiến: “Theo Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN trước đây, tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn bằng vàng huy động được thành tiền để tổ chức tín dụng sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động bằng vàng trong kinh doanh nhưng thực tế việc bảo toàn vốn cho vay gặp khó khăn, có ít tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi.
Tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi rất dễ bị rủi ro kinh doanh, do không duy trì trạng thái vàng và không thực hiện được bảo hiểm giá vàng biến động mạnh. Có hiện tượng tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỷ giá; việc chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền đã kích thích nhiều tổ chức tín dụng mở rộng huy động để cho vay bằng vàng với lãi suất cao đối với lĩnh vực phi sản xuất mà Nhà nước không khuyến khích. Để khắc phục rủi ro, tồn tại này, trong Thông tư mới ban hành không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi vốn huy động bằng vàng.” (theo Vietnam+)
Dự báo, Thông tư này cũng sẽ góp phần tích cực để khắc phục những tồn tại của việc lưu thông vàng trong nền kinh tế, khắc phục rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và lãi suất đối với tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 3/10/200 và Quyết định số 1019/2001/QĐ-NHNN ngày 14/8/2000.
Đối với các khoản huy động và cho vay vốn bằng vàng, bằng đồng Việt Nam đảm bảo giá trị theo giá vàng phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời gian hiệu lực của hợp đồng.
- LuậtViệtnam