Theo Nghị định 30, sau khi mở tài khoản quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án thông tin về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền (Nghị định 99 chưa có quy định này).
Kê biên tài sản chủ đầu tư ôm quỹ bảo trì chung cư (Ảnh minh họa)
Ngoài sự giám sát của Sở Xây dựng, điểm mới đáng chú ý là sau 05 ngày nhận quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp chủ đầu tư không còn tiền trong tài khoản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.
Kinh phí bảo trì (còn gọi là quỹ bảo trì) nhà chung cư là khoản kinh phí để bảo đảm duy trì chất lượng nhà chung cư. Quỹ được xác lập từ chính tiền nộp của cư dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã cố tình chiếm dụng số tiền này, không chuyển cho ban quản trị, hoặc chuyển không đủ. Nghị định 30 ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể trong việc xử lý chủ đầu tư cố tình chây ỳ hoặc chậm bàn giao kinh phí bảo trì chung cư theo đúng quy định. |