Hướng dẫn quy trình giám định tư pháp di vật, cổ vật

Đây là nội dung chính của Thông tư 03/2019/TT-BVHTTDL được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 05/7/2019 vừa qua.

Quy trình giám định tư pháp di vật, cổ vật
Quy trình giám định tư pháp di vật, cổ vật (Ảnh minh họa)


Theo đó, việc giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật được thực hiện qua 06 bước dưới đây:

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định

Người giám định tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có); trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối.

Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định

Người giám định tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể về di sản văn hóa để chuẩn bị thực hiện giám định.

Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

Nếu cần thiết, có thể lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.

Bước 3: Thực hiện giám định

Người giám định xem xét đối tượng giám định để xác định niên đại và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học trên các nội dung về hình dáng, kích thước, chất liệu, thành phần hóa học, màu sắc, hoa văn, văn tự trên hiện vật và các dấu hiệu khác có liên quan.

Bước 4: Kết luận giám định

Căn cứ kết quả giám định, xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có) và quy định của pháp luật, người giám định kết luận đối tượng giám định là di vật, cổ vật hoặc không phải di vật, cổ vật.

Bước 5: Bàn giao kết luận giám định

Khi việc giám định hoàn thành, người giám định có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu.

Bước 6: Lập, lưu giữ hồ sơ giám định

Người giám định có trách nhiệm lập và lưu giữ hồ sơ giám định đối với di vật, cổ vật theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

Thùy Linh
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục