Ngày 13/5, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2005/TT-BYT Hướng dẫn việc giải quyết thủ tục và quản lý công chức, viên chức y tế đi chuyên gia, lao động y tế với nước ngoài.
Theo thông tư, đối tượng áp dụng là các cơ quan y tế, đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng, bệnh viện cấp huyện, bệnh viện khu vực, bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện và viện có giường bệnh thuộc các bộ, ngành; các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng, các trung tâm, trạm, đội làm công tác dự phòng được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập.
Việc giải quyết cho công chức, viên chức đi chuyên gia và lao động y tế với nước ngoài là cho phép công chức, viên chức được nghỉ việc không lương ở cơ quan, đơn vị đang làm việc để thực hiện một hợp đồng làm việc tự nguyện với nước ngoài thông qua cơ quan đại diện là Trung tâm hợp tác chuyên gia và nhân lực y tế với nước ngoài.
Công chức, viên chức y tế được giải quyết đi chuyên gia và lao động y tế với nước ngoài phải là người có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có đủ năng lực chuyên môn, sức khoẻ để thực hiện các cam kết hợp đồng lao động hợp tác với nước ngoài. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc ở nước ngoài, các công chức này phải lấy ý kiến nhận xét của Ban quản lý chuyên gia của nước đến làm việc và nhận xét của Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó về quá trình làm việc và cư trú. Trường hợp phải trở về nước trước thời hạn phải có lý do chính đáng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao kết của hợp đồng. Khi trở về, công chức, viên chức phải trình đầy đủ các giấy tờ đã quy định trên cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức để có cơ sở ban hành quyết định điều trả về cơ quan, đơn vị cũ...
Trung tâm hợp tác chuyên gia và nhân lực y tế với nước ngoài là đầu mối tổ chức cho công chức, viên chức y tế đi làm chuyên gia và lao động y tế với nước ngoài theo thẩm quyền được Bộ Y tế giao có trách nhiệm quản lý trong thời gian công chức, viên chức của ngành thực hiện hợp đồng với nước bạn, xử lý các vấn đề liên quan đến hợp đồng làm việc và các vấn đề phát sinh.
Cơ quan, đơn vị được giao quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức y tế có thẩm quyền thực hiện giải quyết cho công chức, viên chức đi chuyên gia và lao động hợp tác y tế với nước ngoài và tiếp nhận trở lại sau khi kết thúc hợp đồng.
Cũng theo Thông tư, khi công chức, viên chức y tế hết thời hạn hợp đồng làm việc với nước bạn, hoặc có lý do hợp lệ phải chấm dứt hợp đồng làm việc trước thời hạn trở về nước, trình tự giải quyết thủ tục trở lại cơ quan, đơn vị như sau: công chức, viên chức y tế khi trở về nước trình bản nhận xét đánh giá của Ban quản lý chuyên gia và Đại sứ quán Việt Nam nơi làm việc cho Trung tâm hợp tác chuyên gia và nhân lực y tế với nước ngoài, sau khi đã hoàn chỉnh các nghĩa vụ về tài chính theo bản cam kết hợp đồng khi đi. Trung tâm hợp tác chuyên gia và nhân lực y tế với nước ngoài gửi công văn và nhận xét quá trình thực hiện hợp đồng ở nước ngoài đến cơ quan, đơn vị của công chức, viên chức, đề nghị ra quyết định tiếp nhận viên chức trở lại làm việc; công chức, viên chức về nước chậm quá thời hạn 3 tháng nhưng không được phép của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng ở trong nước, khi về phải giải trình rõ lý do về nước chậm, có xác nhận của Đại sứ quán nước sở tại. Trường hợp công chức, viên chậm về nước không có lý do chính đáng sau khi được giới thiệu trở lại đơn vị phải chịu hình thức kỷ luật quy định theo pháp luật hiện hành; công chức, viên chức y tế sau khi kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền các giấy tờ, văn bản của Trung tâm hợp tác chuyên gia và nhân lực y tế với nước ngoài và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trước khi đi với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp quản lý, sử dụng trong thời hạn chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhập cảnh trở lại.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết cho công chức, viên chức đi chuyên gia và lao động hợp tác với nước ngoài có trách nhiệm giải quyết các thủ tục tiếp nhận công chức, viên chức trở lại khi nhận được các thủ tục cần thiết trong thời hạn chậm nhất sau 15 ngày. Sau khi có quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, viên chức phải trở lại làm việc bình thường.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng trên công báo.
(Theo Hà Nội Mới)