Nghị định cũng hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2009. Trường hợp bản án, quyết định được tuyên trước ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành thì thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính như sau: tính đến hết ngày 30/6/2009 mà đã đủ 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; tính đến ngày 01/7/2009 mà vẫn chưa hết thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn thì áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Đối với các việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc thi hành chưa xong trước khi Nghị định này có hiệu lực nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận, các thủ tục thi hành án tiếp theo được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
- LuậtViệtnam