Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 01/2022/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BNV quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Theo đó Bộ Nội vụ bổ sung quy định về cách tính thời hạn tổ chức đại hội như sau:
- Với đại hội nhiệm kỳ:
+ Nhiệm kỳ đại hội của hội thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
+ Trường hợp hội kéo dài nhiệm kỳ đại hội thì thời hạn tổ chức đại hội tiếp theo được tính kể từ ngày hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới.
- Đại hội bất thường:
+ Hội tổ chức đại hội bất thường để thông qua việc đổi tên thì được tính thời hạn tổ chức đại hội tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội bất thường;
+Trường hợp hội tổ chức đại hội bất thường để thông qua việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội thì hội thành lập mới do chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội được tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội thành lập mới.
Cũng theo Thông tư 01/2022/TT-BNV, nhân sự dự kiến người đứng đầu hội phải có sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp.
Trường hợp nhân sự dự kiến người đứng đầu hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc đã là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã nghỉ hưu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không cần phiếu lý lịch tư pháp.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng.
Thông tư này được ban hành ngày 16/01/2022 và có hiệu lực từ 03/3/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.