Mua bán ''trao tay'' dễ bị lật lọng đòi lại nhà
ĐB Phạm Quý Tỵ (Hà Nội), Chánh án TAND TP. Hà Nội đề cập đến một vấn đề nhiều người quan tâm. Đó là việc mua bán nhà ở.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn giữ nguyên như hiện hành là hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Nếu không đáp ứng được một trong 2 điều kiện này, khi xẩy ra tranh chấp hợp đồng bị coi vô hiệu.
Theo ông Phạm Quý Tỵ, đây là vấn đề cực kỳ bức xúc. Nhiều năm qua, TAND Hà Nội đã xét xử rất nhiều vụ án tranh chấp nhà ở do mua bán trao tay, mua bán ngầm không có công chứng, chứng thực.
''Bên bán, vợ chồng con cái đều ký hết vào hợp đồng bán nhà, đã giao nhà cho bên mua. Nhưng vài năm sau, giá nhà tăng 5-10 lần, bên bán lật lọng đòi nhà. Ra toà tuyên bố vô hiệu, nhà, tiền trước đó của ai trả về người đấy. Tiền phạt lỗi chỉ có mức độ, như vậy người mua nhà hết sức thiệt thòi'', ông Tỵ dẫn chứng.
Ông Tỵ cho rằng hợp đồng mua bán nhà ở phải lập thành văn bản nhưng không nhất thiết phải công chứng, chứng thực vì đây là hợp đồng dân sự dựa trên sự thoả thuận và ý chí của các bên. Ông lấy thêm lý do: ''Ngay ở Hà Nội, nhiều phòng công chứng có lúc quá tải. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân rất khó khăn nếu đi hết mấy ngày đường để công chứng hay chứng thực''.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý không đồng tình: ''Mua bán nhà ở nhất định phải có công chứng, chứng thực. Điều này rất quan trọng vì hợp đồng mua bán sẽ phát sinh nhiều quyền và nghĩa vụ khác''.
Theo ông, tới đây sẽ không xử vô hiệu một cách máy móc vì dự thảo Bộ luật đã bổ sung Điều 384: ''Hợp đồng không bị vô hiệu khi vi phạm về hình thức trừ trường hợp pháp luật có quy định vô hiệu''.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu vẫn gợi ý để đại biểu nghiên cứu 3 khả năng: Thứ nhất, giữ như quy định hiện hành; thứ hai bỏ công chứng, chứng thực; thứ ba, cho các bên hợp đồng được tuỳ chọn, có thể công chứng, chứng thực hoặc không.
Lập "dây" hụi phải đăng ký với Nhà nước?
Vấn đề tiếp tục nóng lên trong ngày thảo luận thứ 2 là ''hụi, họ''. Bộ trưởng Uông Chu Lưu cho rằng: ''Vẫn phải điều chỉnh hụi, họ là vấn đề phát sinh trong thực tế, cơ bản là khống chế mức lãi suất như thế nào!''.
Theo ông, nếu chơi hụi, họ với lãi hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất của ngân hàng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi. Theo Bộ trưởng, cần phân biệt thành 2 điều luật giữa họ là cho vay tương trợ, không lãi và hụi là việc cho vay lấy lãi.
Bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị Nhà nước phải can thiệp vào ''hụi, họ'' kinh doanh. ''Dây hụi phải đăng ký với cơ quan nhà nước, phải đóng thuế... Nếu không ai cũng có thể lập dây hụi, huy động tiền của mọi người rồi sau đó tuyên bố vỡ hụi hoặc ôm tiền chạy trốn'', bà nói.
Kết luận sau 2 ngày thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết có 34 đại biểu đóng góp ý kiến. ''Tuyệt đại đa số các ý kiến đều cho rằng cần thiết đưa ''hụi, họ'' vào điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự'', ông Yểu tổng kết.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cũng lưu ý cần làm rõ dân gian gọi ''hụi, họ, điêu, phường'' khác nhau như thế nào? Đồng thời, quy định ''hụi, họ'' làm sao phải có tính chất tương trợ là chủ yếu, có thể có lãi nhưng lãi thấp và cấm chơi ''hụi, họ'' trục lợi.
Theo ông Nguyễn Văn Yểu, đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách cho dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cộng với kết quả lấy ý kiến nhân dân sẽ được tổng hợp, đưa ra tại phiên họp của UBTVQH thảo luận, trước trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.
(Văn Tiến – VietNamNet)