(LuatVietnam) Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016, nhấn mạnh, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; đồng thời, sẽ bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về đăng ký hoạt động tín ngưỡng. Theo đó, hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải gửi văn bản đăng ký đến UBND cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày bắt đầu hoạt động tín ngưỡng. Trường hợp hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng thực hiện đăng ký bổ sung chậm nhất 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng.
Cũng theo Luật này, từ ngày 01/01/2018, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ được công nhân là tổ chức tôn giáo khi đã hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chắng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; có hiến chương theo quy định; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình…
Đặc biệt, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày 01/01/2018, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động trước ngày 01/01/2018 phải thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
· LuatVietnam