Dự thảo cũng quy định rõ việc quản lý an toàn đập là quá trình liên tục, xuyên suốt các giai đoạn, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến quản lý khai thác hồ chứa nước. Chủ đập phải lập quy trình điều tiết nước hồ chứa, quy định việc tích nước, xả nước hồ trong điều kiện bình thường và trong tình huống khẩn cấp trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Chủ đập phải thực hiện kiểm tra đập thường xuyên và kiểm tra đột xuất ngay sau khi xảy ra lũ lớn, động đất mạnh hoặc phát hiện các dấu hiệu hư hỏng đột xuất của công trình. Hàng năm chủ đập phải lập và gửi báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hiện trạng an toàn đập trước ngày 15/5 đối với các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; trước ngày 15/9 đối với các tỉnh Duyên Hải Miền Trung. Đối với các hồ chứa có dung tích trữ từ 10 triệu m3 trở lên phải kiểm định an toàn theo định kỳ 10 năm.
Nghiêm cấm người không có thẩm quyền ra lệnh hoặc cưỡng ép vận hành công trình. Nghiêm cấm việc thao tác vận hành công trình trái với quy trình. UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức việc cứu hộ đập trên địa bàn và tham gia cứu hộ đập cho địa phương khác theo quy định của pháp luật...
(Theo HNM)