Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn về dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) ngày 19/2, vấn đề tổ chức kinh doanh hoa tiêu hàng hải vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Một số đại biểu cho rằng, hoa tiêu hàng hải chỉ có một tổ chức duy nhất của Nhà nước như hiện nay là không phù hợp. Việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải sẽ tránh được tình trạng độc quyền, tạo động lực cho các DN hoa tiêu nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, hoa tiêu hàng hải là dịch vụ đặc thù nên kinh doanh hoa tiêu hàng hải phải có điều kiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến lập luận: Mục tiêu hàng đầu của hoa tiêu hàng hải là bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, cung cấp dịch vụ công ích không vì lợi nhuận. Do đó, không nên đa dạng hoá kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải, vì như vậy sẽ dẫn đến các DN chỉ lo lợi nhuận, xem nhẹ mục tiêu công ích, an toàn hàng hải.
Hơn nữa, việc đa dạng hoá sẽ dẫn đến những khu vực hoa tiêu lợi nhuận cao thì tập trung nhiều DN, khu vực lợi nhuận thấp không có DN nào muốn đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng không tốt cho hoạt động hàng hải. Việc tập trung quản lý hoa tiêu vào một đầu mối do Nhà nước quản lý sẽ khắc phục được tình trạng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn để ngỏ 2 phương án. Phương án 1: Hoa tiêu hàng hải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Điều kiện kinh doanh hoa tiêu hàng hải sẽ do Chính phủ quy định. Phương án 2: Hoa tiêu hàng hải tổ chức thống nhất như hiện nay, được thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Về việc tham gia vận chuyển của tàu nước ngoài vào tuyến nội địa, thay vì để Bộ trưởng Giao thông Vận tải quy định như trước đây, dự thảo Bộ luật lần này đã đưa vào. Đó là những trường hợp tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển và được Bộ trưởng Giao thông Vận tải đồng ý: vận chuyển hàng hoá siêu trường, siêu trọng hoặc các hàng hoá bằng tàu biển chuyên dùng; để phòng chống hoặc khắc phục thiên tai, dịch bệnh và mục đích cứu trợ nhân đạo khẩn cấp; vận chuyển hành khách từ tàu khách du lịch lên bờ.
Theo ông Nguyễn Văn Yểu, thẩm quyền tạm giữ tàu biển khi có khiếu nại hàng hải được chuyển từ giám đốc cảnh vụ sang cho toà án. Tuy nhiên, giám đốc cảnh vụ vẫn có quyền tạm giữ tàu biển khi tàu biển không có đủ các điều kiện về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; đang trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải; chưa thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải; chưa trả xong tiền phạt vi phạm hành chính... Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển hiện đang được dự thảo trình UBTVQH trong năm nay.
Cụ thể hoá chủ trương đa dạng hoá thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dưng và khai thác cảnh biển, dự thảo Bộ luật đã ghi nhận cho tổ chức, cá nhân (cả trong nước và nước ngoài) có quyền đầu tư xây dựng cảng biển từ nguồn vốn của mình (trừ cảng biển do Chính phủ và UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư). Chủ đầu tư xây dựng cảng biển được quyết định hình thức quản lý, khai thác cảng biển. Ngay cảng biển đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước cũng được đấu thầu cho tổ chức, cá nhân thuê khai thác.
Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) dự kiến sẽ trình ra Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 sắp tới.
(Văn Tiến – VietNamNet)