Theo đó, người lao động bị suy giảm từ 5% - 30% khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.
Theo Nghị định, người lao động có 15 năm đóng BHXH trở lên và có quyết định nghỉ việc chờ đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2003, thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương; tiền công tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Nghị định cũng quy định rõ: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm: CBCC, viên chức; người lao động làm việc theo hợp đồng theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là công nhân quốc phòng, công nhân công an làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; tổ chức, đơn vị hoạt động theo quy định của pháp luật; HTX, Liên hiệp HTX; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam...
Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
(Luật Việt Nam)