Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước thuộc Bộ Công Thương, ông Hoàng Thọ Xuân, cho biết ý tưởng thực hiện cơ chế khẩn cấp xuất phát từ thành công của việc Chính phủ hỗ trợ tài chính và các địa phương chủ động giúp đỡ doanh nghiệp về tài chính để chuẩn bị hàng hóa, góp phần hạn chế tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý vừa qua.
Từ mô hình này, Tổ điều hành thị trường trong nước đang nghiên cứu để kiến nghị các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công Thương đánh giá lại cơ chế hỗ trợ tài chính giúp ổn định thị trường trong dịp Tết vừa qua, trên cơ sở đó hình thành cơ chế "khẩn cấp" để áp dụng trong một số trường hợp.
Ông Xuân khẳng định cơ chế "khẩn cấp" này không phải là hình thức bù giá hay trợ cấp mà sẽ được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp vốn hoặc tạo điều kiện về cơ chế xuất nhập khẩu để doanh nghiệp có điều kiện khai thác quỹ hàng hóa đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu thị trường với hướng ưu tiên là bình ổn giá.
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong năm nay một số mặt hàng thiết yếu như sắt thép, phân bón và lương thực có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá hàng lương thực dự kiến sẽ giữ mức cao, do nguồn cung trên thế giới thấp hơn cầu và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Giá thép và phân bón cũng tiếp tục tăng cao do giá nguyên nhiên liệu ở mức cao và chi phí sản xuất tăng.
Để cân đối cung cấp và giá cả các mặt hàng, theo ông Xuân, các ngành cần tổ chức lại hệ thống phân phối một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Trong năm nay, Tổ điều hành thị trường trong nước sẽ đổi mới mô hình hoạt động theo hướng mở rộng thành phần tham gia là Hiệp hội các nhà bán lẻ, các địa phương, đồng thời thành lập bộ phận chuyên trách dự báo cân đối cung cầu nhằm chủ động nắm bắt tình hình thị trường, ông Xuân khẳng định.
(Theo Website Chính phủ)