Hiến xác phải được sự đồng ý của gia đình

''Việc hiến xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó''.

Đây là nội dung quan trọng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét sáng 6/5.

Lý do, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, mặc dù hiến xác, hiến bộ phận cơ thể là quyền nhân thân nhưng việc thực hiện quyền này lại phụ thuộc rất nhiều vào cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đã chết. Quy định này cũng để bảo đảm quyền này được thực hiện trên thực tế và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc ta.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể phục vụ chữa bệnh, nghiên cứu khoa học là vấn đề còn rất mới, trong thực tế chưa phát sinh nhiều. Cho nên dự thảo Bộ luật dân sự chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc với tư cách là quyền dân sự về nhân thân. Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng bộ phận cơ thể người, xác của người chết sẽ được cụ thể hoá và quy định tại các văn bản khác.

Về quyền xác định lại giới tính, có ý kiến đề nghị không nên quy định quyền này trong Bộ luật Dân sự vì đây là vấn đề rất mới, chưa phổ biến, không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với lý do: ''Quyền xác định lại giới tính là một trong các quyền nhân thân, quyền tự do của mỗi cá nhân khi người đó do khuyết tật bẩm sinh, chưa định hình chính xác giới tính mà cần xác định lại giới tính nhờ sự can thiệp của y học''.

Do đó, quyền xác định lại giới tính được ghi nhận trong dự thảo Bộ luật nhưng chỉ mang tính nguyên tắc về quyền dân sự còn các nội dung cụ thể sẽ được hướng dẫn sau. Các khái niệm ''khuyết tật bẩm sinh'', ''chưa định hình chính xác'' giới tính trên cơ thể người cũng sẽ được làm rõ trong văn bản pháp luật chuyên ngành.

Theo ông Vũ Đức Khiển, các quyền nhân thân khác như cho phôi, quyền mang thai hộ, quyền được chết đã không được ghi nhận trong dự thảo Bộ luật. Về quyền cho phôi, nội dung này rất mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học, nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. Về quyền được chết, theo phong tục tập quán, truyền thống căn hoá của Việt Nam và ngay cả ở nhiều nước phát triển khác thì thừa nhận quyền này trong điều kiện hiện nay là không phù hợp.

Bộ luật Dân sự là đạo luật quan trọng, liên quan sát sườn đến mọi người dân, có nhiều vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, thảo luận của Quốc hội về Bộ luật này (cả ngày hôm nay 6/5 và sáng mai) sẽ được truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi.

(Văn Tiến - VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.