Đây là lo ngại của UB Kinh tế và Ngân sách trước quy định của dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hải quan: thay thế hình thức kiểm tra xác suất hàng hoá bằng giải pháp giao quyền kiểm tra thực tế hàng hoá cho công chức hải quan.
Nội dung này đã gây nhiều tranh cãi tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 2/3.
Khai báo hải quan điện tử: Vừa thủ công, vừa điện tử
Một nội dung lớn của dự thảo Luật là bổ sung quy định về thủ tục hải quan điện tử. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng giải trình: ''Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới, chưa thể chuyển ngay sang áp dụng đồng loạt thủ tục hải quan điện tử. Vẫn cần phải áp dụng song song cả hình thức thủ công như hiện nay và từng bước chuyển dần sang áp dụng thủ tục hải quan điện tử''.
Trình bày thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên, nhận xét: ''Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải khai và nộp hồ sơ bằng phương tiện điện tử là cần thiết nhưng chưa đủ! Vì điều kiện an toàn mạng thông tin luôn bị đe doạ (mất điện, virus...) và chúng ta đang thực hiện thời hạn nộp thuế chậm (30, 90, thậm chí 273 ngày) thì quản lý thế nào, có nên nộp hồ sơ bằng giấy sau hay không?''
Ông Kiên thắc mắc: ''Hồ sơ hải quan bằng phương tiện điện tử sẽ như thế nào? Trong trường hợp này, khi xuất trình hồ sơ thì xuất trình cái gì, quy trình thế nào? Vì chưa rõ nên phải có quy định cụ thể thêm hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết''.
ĐB Lê Hoàng Anh (Hải Phòng) hướng ứng: ''Hàng hoá xuất nhập khẩu, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, ấn phẩm văn hoá thì Bộ Văn hoá Thông tin... Nếu các ngành khác chưa làm thủ tục điện tử thì nên giao cho Chính phủ quy định. Chứ vừa khai báo ''thủ công'', vừa ''điện tử'', thì cải cách hành chính lại làm thủ tục phức tạp thêm!''.
Tự quyết định tỷ lệ kiểm tra thực tế sẽ dẫn đến tuỳ tiện
Dự luật quy định theo hướng bỏ kiểm tra xác suất, mà sẽ ít nhiều giao quyền kiểm tra cho công chức hải quan (trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá khả năng vi phạm pháp luật) để hạn chế được sự gian lận.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thuyết phục các đại biểu: ''Quy định cứng tỷ lệ kiểm tra xác suất với mỗi lô hàng dẫn đến tỷ lệ không qua kiểm tra thực tế hàng hoá còn cao. Theo thống kê năm 2004, tỷ lệ tờ khai hàng nhập khẩu được miễn kiểm tra tại TP.HCM là 11%, Hải Phòng là 53%...''.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên không đồng tình. ''Kiểm tra hàng hoá dựa trên ''giới hạn ở mức vừa đủ'', ''đánh giá chính xác của hải quan'' là không rõ ràng! Nếu vận dụng cách thức mới này sẽ có thể dẫn đến trường hợp mặc cả, tuỳ tiện, vừa khó cho DN, vừa dễ tiêu cực đối với công chức hải quan. Nếu xảy ra gian lận, cơ quan điều tra hỏi tại sao không kiểm tra 80% mà chỉ 70%, rất khó giải trình trách nhiệm''.
Ông cũng ủng hộ việc giảm kiểm tra thực tế hàng hoá vì ''được cái lớn, mất cái bé, ngay cả ăn cơm còn có hạt vãi''.
Đa số ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị giữ quy định như hiện nay: Đối với hàng hoá phải kiểm tra thực tế thì áp dụng kiểm tra xác suất, ngoài loại hàng hoá đặc thù, nhạy cảm phải kiểm tra 100%, còn lại thì kiểm tra 5% hoặc 10%. Lý do là quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, hạn chế sự vận dụng tuỳ tiện, tiêu cực của hải quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan dự kiến được Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 xem xét thông qua tại một kỳ họp.
(Văn Tiến – VietNamNet)