Theo đó, những nơi như mặt hồ nước, trên nóc nhà và các dải phân cách giao thông đều không được đặt biển quảng cáo. Ngoài ra, những khu vực không được phép đặt biển là quảng trường Ba Đình, trụ sở các cơ quan Đảng và Nhà nước, trường học, bệnh viện, các tổ chức quốc tế, di tích lịch sử. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Tràng Tiền, Tràng Thi, khu phố cổ.
Dự thảo cũng quy định, các bảng quảng cáo tấm lớn đều được dựng trên một cột trụ, dù là hai, ba mặt. Không chỉ đảm bảo mỹ quan đô thị, biển một cột sẽ bền vững, an toàn và chiếm không gian ít hơn các loại biển dựng chân khung. Diện tích của biển cũng được quy định: từ vành đai 2 trở vào, biển quảng cáo được khống chế diện tích từ 40 đến 60 m2; trong vành đai 3, biển rộng từ 40 đến 80 m2; ngoài vành đai 3, rộng từ 80 đến 120 m2. Nếu đặt cạnh nhau theo chiều thẳng vuông góc với tuyến đường phải có kích thước như nhau, kiểu dáng thống nhất, khoảng cách tối thiểu giữa các biển là 10 m. Trên các tuyến quốc lộ như Bắc Thăng Long - Nội Bài, 1A, 1B và 18... biển phải cách mép chỉ giới đường đỏ là 25 m, khoảng cách giữa các biển từ 150 m đến 200 m. Dự thảo cũng đưa ra 121 điểm đặt biển trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, 38 điểm tại quốc lộ 1A, 13 điểm trên quốc lộ 5.
Theo con số thống kê của Sở Văn hóa thông tin, trong 5 tháng đầu năm hiện Hà Nội có 225 biển quảng cáo tấm lớn, trong đó 121 biển sai phạm như hết hạn giấy phép mà không gia hạn, không có giấy phép, hoặc thực hiện sai phép. Thanh tra văn hóa đã phối hợp các quận, huyện tháo dỡ 8 biển và lập biên bản xử lý vi phạm với nhiều doanh nghiệp như Công ty quảng cáo Phú Sỹ, Thái Dương, quảng cáo Trẻ, doanh nghiệp Việt Anh, quảng cáo Cánh đồng vàng... vì đã treo dựng biển trái phép, đồng thời yêu cầu nhiều công ty tự tháo dỡ biển tại những vị trí không hợp lý.
(Theo HNM)