(LuatVietnam) Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường, ngày 31/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quan điểm ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tại Quy hoạch, Thủ tướng khẳng định, đến năm 2020, xe buýt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần vận tải của hệ thống giao thông công cộng Thủ đô Hà Nội; xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 08 tuyến gồm: (1) Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa, (2) Ngọc Hồi - Phú Xuyên, (3) Sơn Đồng - Ba Vì, (4) Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, (5) Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), (6) Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), (7) Ba La - Ứng Hòa, (8) Ứng Hòa - Phú Xuyên và 03 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail; cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế vào năm 2020, đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm.
Các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Thường Tín cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo; đồng thời xây dựng mới bến xe khách Xuân Mai thành bến xe cấp 3 kết hợp điểm trung chuyển xe buýt; từng bước di chuyển các bến xe tải liên tỉnh hiện có ra khu vực ngoài đường Vành đai 3 và chuyển đổi đất của các bến xe này phục vụ giao thông công cộng. Các bãi đỗ xe công cộng cũng sẽ được quy hoạch; tổng diện tích các bãi đỗ xe khu vực nội đô khoảng 1.706ha.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để thực hiện Quy hoạch khoảng 1.235.380 tỷ đồng; trong đó, 523.777 tỷ đồng để phát triển đường bộ, 646.525 tỷ đồng phát triển đường sắt, 19.750 tỷ đồng phát triển đường thủy và 45.329 tỷ đồng để phát triển hàng không.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
· LuatVietnam