Hà Nội: Người trực tiếp giải quyết TTHC phải giải trình về lý do chậm trễ

Đây là một trong những nội dung nêu tại Chỉ thị 01/CT-UBND về việc cá thể hóa trách nhiệm của công chức, viên chức trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Chỉ thị 01/CT-UBND đã yêu cầu các Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ như:

- Nâng cao trách nhiệm giải trình

Người đứng đầu phải giải trình với cấp trên và UBND Thành phố về tình trạng chậm trễ, phiền hà tại đơn vị mình. Các công chức, viên chức trực tiếp giải quyết TTHC phải giải trình về lý do chậm trễ hoặc không giải quyết đúng quy định

Người trực tiếp giải quyết TTHC phải giải trình về lý do chậm trễ
Người trực tiếp giải quyết TTHC phải giải trình về lý do chậm trễ (Ảnh minh họa)

- Cá thể hóa trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp về tiến độ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị mình. Đồng thời cần tổ chức rà soát, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo minh bạch, đúng thời hạn và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Công chức, viên chức phải thực hiện đúng quy định pháp luật và quy trình giải quyết TTHC, chịu trách nhiệm cá nhân với từng hồ sơ và không yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc kéo dài thời gian không có lý do chính đáng. Thái độ phục vụ phải tận tụy và trung thực.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Giám sát nội bộ thông qua kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất, thành lập các tổ kiểm tra độc lập.

Giám sát từ phía người dân và doanh nghiệp bằng các kênh trực tuyến, đường dây nóng, và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố. Các phản ánh của người dân sẽ được công khai và giải quyết kịp thời.

- Cơ chế đánh giá, khen thưởng và kỷ luật

Công khai bảng xếp hạng các sở, ban, ngành về chất lượng giải quyết TTHC. Các cá nhân có thành tích tốt sẽ được khen thưởng, ưu tiên trong xét thi đua và bổ nhiệm.

Các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, không xét thi đua và không bổ nhiệm. Mỗi vụ vi phạm sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tránh tình trạng đổ lỗi hoặc né tránh trách nhiệm. Các hình thức kỷ luật có thể bao gồm phê bình, cảnh cáo, đình chỉ công tác, hoặc buộc thôi việc.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục