Đây là nội dung mới quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 03 năm kể từ ngày cấp. Mà nay, theo Nghị định này, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được tăng lên 05 năm kể từ ngày cấp.
Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định 38/2015/NĐ-CP còn được thay đổi, bổ sung một số điều sau:
- Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thay thế giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường
- Trong quá trình xem xét, cấp giấy phép, cơ quan cấp phép phải thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại
- Thời hạn kiểm tra, chấp thuận vận hành thử nghiệm là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
- Thời hạn kiểm tra, cấp giấy phép là 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Lưu ý: Thời gian trên không bao gồm thời gian hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.
Như vậy, so với trước đây, cơ quan cấp phép đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra thực tế và giảm ngắn thời hạn cấp giấy phép tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án xử lý chất thải nguy hại.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
Nguyễn Hương