Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục 43/2019/QH14 với nội dung đáng chú ý là quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi đó bắt buộc phải học tập đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện.

giáo dục tiểu học là bắt buộc
Từ 01/7/2020, giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc
(Ảnh minh họa)


Trước đây, Luật chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch và đảm bảo các điều kiện để thực hiện trong cả nước.

Đến năm 2020, việc hoàn thành chương trình tiểu học là yêu cầu bắt buộc và cũng được thực hiện trong cả nước. Bởi mục tiêu của giáo dục tiểu học là hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh.

Đến lúc đó, học sinh sẽ có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; Có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; Có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh…

Để thực hiện được việc này, mọi công dân trong độ tuổi phải có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình ở độ tuổi quy định được thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Nguyễn Hương
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục