Theo đó, Điều 14 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định về giải thể Phòng công chứng như sau:
(1) Phòng công chứng thuộc trường hợp chuyển đổi thành Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng mà không chuyển đổi được thì bị giải thể.
(2) Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Công chứng và giải quyết chế độ, chính sách cho công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng theo quy định.
Khoản 2 Điều 22 của Luật Công chứng quy định:
- Trường hợp không có khả năng chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trình tự, thủ tục giải thể Phòng công chứng thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
- Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi thanh toán xong các khoản nợ, làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, thực hiện xong các yêu cầu công chứng đã tiếp nhận.
(3) Việc giải thể Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật có liên quan.
Tại Điều 15 Nghị định 104/2025/NĐ-CP đã nêu rõ lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng.
Theo đó, căn cứ mức tự chủ tài chính của Phòng công chứng, lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương được thực hiện như sau:
(1) Chậm nhất là ngày 31/12/2026 đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư;
(2) Chậm nhất là ngày 31/12/2027 đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.
(3) Chậm nhất là ngày 31/12/2028 đối với các Phòng công chứng không thuộc (1), (2) nêu trên.