Ngân hàng Nhà nước giải đáp thắc mắc về những nhu cầu vốn không được cho vay

Ngày 08/11/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 8631/NHNN-CSTT giải đáp các câu hỏi liên quan quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước giải đáp một số thắc mắc về những nhu cầu vốn không được cho vay như sau:

Câu hỏi 1: 

Khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm có phải là khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm?

Trả lời: 

Theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-NHNN, khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.

Theo đó, khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm nêu tại khoản 6 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) là khoản vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm theo quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Giải đáp thắc mắc về những nhu cầu vốn không được cho vay
Giải đáp thắc mắc về những nhu cầu vốn không được cho vay (Ảnh minh họa)

Câu hỏi 2: 

Tổ chức tín dụng có được cho vay để trả nợ trước hạn đối với khoản vay nước ngoài của tổ chức, cá nhân (không phải vay từ tổ chức tín dụng) không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a, b khoản 6 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) và khi khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung).

Câu hỏi 3: 

Trường hợp khách hàng vay mua nhà, TCTD giải ngân vốn cho vay và phong tỏa số tiền giải ngân cho đến khi khách hàng hoàn tất thủ tục mua nhà có thuộc trường hợp cho vay để gửi tiền hay không?

Trả lời: 

Trường hợp khách hàng vay mua nhà, tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay và phong tỏa số tiền giải ngân cho đến khi khách hàng hoàn tất thủ tục mua nhà thi không thuộc trường hợp tổ chức tín dụng cho vay để gửi tiền.

Câu hỏi 4: 

Tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền là dưới các hình thức tiền gửi nào tại tổ chức tín dụng, có bao gồm chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn với mục đích để gửi tiền. Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng, nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức gửi tiền không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm... theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Theo đó, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn với mục đích để mua chứng chỉ tiền gửi do chính tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành.

Xem thêm nội dung Công văn 8631/NHNN-CSTT

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thay đổi lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán

Thay đổi lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán

Thay đổi lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán

Ngày 15/11/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 57/2021/TT-BTC về lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán.