(LuatVietnam) Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/06/2017.
Theo Đề án này, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với 18 đơn vị trực thuộc. EVN giữ trên 50% vốn điều lệ tại 02 doanh nghiệp và giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 02 doanh nghiệp khác; đặc biệt, giữ 100% vốn điều lệ tại 06 doanh nghiệp, gồm có: Tổng công ty truyền tải điện quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, EVN sẽ thực hiện thoái vốn toàn bộ tại 06 doanh nghiệp, gồm: Công ty tài chính cổ phần Điện lực; Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.
Các ngành nghề kinh doanh chính của EVN được quy định tại Đề án này bao gồm: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối diện, công trình điện; Tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
· LuatVietnam