Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Nhấn mạnh quyền lợi của người bệnh và trách nhiệm của thầy thuốc

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế xây dựng theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh, cũng như các tổ chức, cơ sở KCB cả khu vực Nhà nước và tư nhân, bên cạnh việc đưa ra những quy định mới về trách nhiệm của người thầy thuốc, phạm vi của đối tượng tham gia hành nghề, quyền lợi và trách nhiệm của các loại hình KCB...

 

Theo Dự thảo Luật, người bệnh có quyền được KCB với điều kiện thực tế tốt nhất; quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được quyết định những vấn đề KCB liên quan đến bản thân; được trao đổi, cung cấp thông tin, tiếp cận hồ sơ bệnh án và chi phí KCB; được chọn người đại diện cho mình...

 

Dự thảo Luật đã dành riêng một Chương quy định về việc giải quyết khiếu nại của người bệnh trong KCB, cũng như quy định cụ thể biện pháp xử lý các sai sót về chuyên môn của thầy thuốc dẫn đến các rủi ro, nhằm đảm bảo công bằng cho người bệnh...

 

Tuy nhiên, người bệnh phải tôn trọng người hành nghề KCB, không được có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành hung người hành nghề KCB; đồng thời, không được hối lộ người hành nghề KCB dưới mọi hình thức.

 

Người hành nghề KCB sẽ được bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm khi KCB; không phải chịu trách nhiệm pháp luật khi thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

 

Sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp phải về phục vụ có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở

 

Dự thảo Luật được xây dựng với quan điểm: Các loại hình dịch vụ y tế, dù là Nhà nước hay tư nhân phải cùng được hoạt động trong một khuôn khổ pháp luật, không có sự phân biệt.

 

Các tổ chức, cá nhân hành nghề KCB phải có giấy phép hành nghề (đối với cá nhân), giấy phép hoạt động KCB (đối với cơ sở KCB) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp.

 

Liên quan đến việc cấp phép, Dự thảo Luật đề nghị thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia với một số chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể trong việc cấp, đổi, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề. Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ giám sát việc đáp ứng các điều kiện đối với người hành nghề; quy định và giám sát việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.

 

Một điểm mới nữa của Dự thảo Luật, nhằm mục đích tăng cường nhân lực y tế cho tuyến cơ sở, bắt buộc sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp về phục vụ có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn; đồng thời, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề tại các cơ sở KCB của Nhà nước từ tuyến trên xuống tuyến dưới để KCB.

 

Luật KCB sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2010. Bãi bỏ Luật Bảo vệ sức khoẻ Nhân dân (30/6/1989) và Pháp lệnh hành nghề Y Dược tư nhân (25/3/2003).

 

. Theo Website Chính phủ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục