Dự thảo Luật Đất đai tập trung sửa đổi 10 vấn đề

Ngày 30/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022.

Theo đó, dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai tập trung hoàn thiện về 10 vấn đề như sau:

- Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (tại Điều 63, 64, 65): Rà soát, hoàn thiện điều kiện đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi khi thực hiện.

- Về trường hợp Nhà nước thu hồi đất (tại Điều 67, Điều 68): Cần cụ thể hoá các tiêu chí, điều kiện, tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất.

- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (tại Điều 146): Thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

- Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (tại Điều 214): Đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm cho nông dân có đất để sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

- Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hạn chế khả năng lao động (tại Điều 94): Cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể.

- Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện chính sách về đất đai (tại Điều 168): Giao địa phương xác định phương thức hỗ trợ phù hợp với thực tế, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, tránh cơ chế “xin-cho”.

- Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” (tại Điều 198, Điều 212): Cần quy định chặt chẽ điều kiện, tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

- Về cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (tại Điều 66): Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này.

Trường hợp dự án khu đô thị, nhà ở thương mại vừa thu hồi đất, vừa nhận chuyển nhượng (tại khoản 1 Điều 66) thì cần quy định cụ thể khi nào thu hồi đất, khi nào nhận chuyển nhượng. Đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với văn phòng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng...

Dự thảo Luật Đất đai tập trung sửa đổi 10 vấn đề (Ảnh minh họa)

- Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài (tại Điều 6, Điều 206): Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ và hoàn thiện nội dung này.

- Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản (tại Điều 211): Đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật, nhằm tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí...

- Về hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động, tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất (tại Điều 105): Cần làm rõ chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất, Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Cân nhắc thống nhất hai tổ chức trên vào một.

- Về ý kiến của Thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng như: Nguyên tắc áp dụng, tiêu chí, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất... tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 03 kỳ họp.

Nếu gặp vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục