Đây chính là một công cụ mới, hình thức mới nhằm phòng ngừa rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam khi nhập về. Điều này cũng phù hợp với Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi thừa nhận lẫn nhau về chất lượng các sản phẩm, hàng hoá trên thị trường.
Sáng 15/6/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban Xây dựng pháp luật của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Hà Nội. Dự án Luật này bắt đầu lấy ý kiến tham gia, góp ý để chuẩn bị trình Chính phủ vào kỳ họp tháng 7/2006 và trình Quốc hội xin ý kiến vào tháng 10/2006.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Xây dựng Pháp luật của Chính phủ cho rằng, chính sách và giải pháp của Nhà nước về chất lượng hiện nay chưa đủ mạnh, chưa phân định rõ trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, chưa xử lý các vi phạm triệt để, tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn kém, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại. Việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu hiện nay hầu như chỉ được thực hiện tại cửa khẩu Việt Nam mà chưa có hình thức kiểm tra tại nơi sản xuất (trước khi sản phẩm xuất ra thị trường). Những nguyên nhân này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi nhập hàng và gây ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu. Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, trước những khó khăn, bất cập như vậy, người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước sức ép của cạnh tranh và tự do hoá thương mại thì việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết và cấp bách để đổi mới công tác quản lý chất lượng ở nước ta.
Tại Điều 5 Dự thảo của Luật, nguyên tắc quản lý chất lượng cũng được gắn sát vào quyền lợi và nghĩa vụ của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ngoài những nguyên tắc mang tính bắt buộc như chất lượng sản phẩm, hàng hoá phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn đã được công bố, bảo đảm sức khoẻ, tính mạng con người, bảo vệ động thực vật, tài sản và môi trường... thì dự thảo Luật lần này có đề cập sâu đến các biện pháp quản lý của nhà nước đối với nguy cơ gây mất an toàn của hàng hoá. Trách nhiệm cũng như chính sách của nhà nước về quản lý vấn đề này, đồng thời các Bộ quản lý chuyên ngành cũng cần phối hợp với nhau để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Thực tế cho thấy thường xuyên xảy ra tình trạng người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm kém chất lượng chỉ biết đến khiếu nại tại Hội bảo về quyền lợi người tiêu dùng, trong khi chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết. Trả lời câu hỏi của phóng viên Website Chính phủ về việc xử lý như thế nào khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng, hoặc doanh nghiệp nhập khẩu với bên sản xuất hàng kém chất lượng. Người Ông Hà Đăng Hiển - Trưởng ban Đánh giá sự phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, những hội và những hiệp hội như vậy chỉ có chức năng trung gian đứng ra nhận đơn của người tiêu dùng bị hại chứ không có chức năng giải quyết thắc mắc, tranh chấp hay bồi thường sản phẩm đó. Khi Luật này ban hành thì nhà sản xuất cũng như nhà kinh doanh sản phẩm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nếu không giàn hoà được thì người tiêu dùng có thể đưa ra toà án khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
(Theo Website Chính phủ)