Tại Tờ trình xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Bộ Nội vụ đã đề xuất về thời gian dự kiến trình thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) như sau:
- Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
- Trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 4/2026).
Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 01/01/2027.
Tại mục III của Tờ trình xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi như sau:
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành thời gian qua trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức hiện hành. - Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung một số quy định về:
(1) Thống nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
(2) Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm;
(3) Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ;
(4) Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước;
(5) Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.