(LuatVietnam) Theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện của từng thời kỳ. Như vậy, việc tính mức hưởng BHXH một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, sau đó trừ đi số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Về mức hưởng chế độ ốm đau, Thông tư quy định, người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó; thời gian này cũng không được tính để hưởng BHXH. Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng BHYT do Quỹ BHXH đóng cho người lao động. Trường hợp đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, nếu sức khỏe chưa phục hồi, người lao động sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc.
Cũng theo Thông tư này, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc do người sử dụng lao động quyết định, không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng, tiền sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.
· LuatVietnam